Lịch sử Nhà_Triều_Tiên

Thành lập

Chân dung của Lý Thành Quế tức vua Thái Tổ, người sáng lập nhà Triều Tiên.

Vào cuối thế kỷ 13, nhà Cao Ly do Vương Kiến (Wang Kǒn, 왕건, 王建) thành lập năm 918 đang lung lay dữ dội, thật ra nền tảng của triều đại này đã sụp đổ ngay từ lúc Cao Ly bị nhà Nguyên chiếm đóng và biến thành một phiên quốc của họ. Nhưng vào cuối thế kỷ 14, nhà Nguyên bị nhà Minh đánh đuổi khỏi Trung Quốc; lúc này triều đình Cao Ly chia làm hai phe với hai đường lối đối ngoại trái ngược nhau: phe theo nhà Minh do tướng Lý Thành Quế đứng đầu và phe theo nhà Nguyên do Tể tướng Thôi Vinh (Ch'oe Yŏng, 최영, 崔榮) đứng đầu. Khi một sứ thần của nhà Minh đến Cao Ly năm 1388 (năm U Vương thứ 14) để đòi lại một phần quan trọng của lãnh thổ phía bắc Cao Ly, Thôi Vinh liền chớp lấy cơ hội này hạ lệnh tấn công cướp lấy bán đảo Liêu Đông (lâu nay Cao Ly luôn tự nhận mình có quyền thừa kế trực tiếp của vương quốc Cao Câu Ly xưa; vì vậy họ xem phần đất của Cao Câu Ly cũ tại Mãn Châu cũng là đất của Cao Ly).

Lý Thành Quế được chọn là người chỉ huy chiến dịch này; nhưng sau đó Lý nổi loạn, không phục tùng mệnh lệnh. Ông dẫn quân về kinh đô Khai Thành và thực hiện một cuộc đảo chính, lật đổ U Vương (U-wang, 우왕, 禑王) và người kế vị của ông ta là Xương Vương (Ch'ang wang, 창왕, 昌王) (1388) và dùng vũ lực đưa một nhân vật thuộc vương tộc tên là Vương Dao (Wang Yo, 왕요, 王瑤) lên ngôi lấy hiệu là Cung Nhượng Vương (Kongyang wang, 공양왕, 恭讓王). Sau đó U Vương và cả Xương Vương đều bị giết chết sau một nỗ lực không thành nhằm giành lại quyền lực đã mất. Cuối cùng, năm 1392, Lý Thành Quế lật đổ Cung Nhượng Vương, đày ông ta đến Nguyên Châu (Wŏnju,원주, 原州) và chiếm lấy ngôi vua. Nhà Cao Ly chính thức cáo chung sau gần 5 thế kỷ cầm quyền.

Ban đầu, Lý Thành Quế (nay là vua Thái Tổ) vẫn tiếp tục dùng tên Cao Ly cho vương quốc của mình, ông dự tính rằng người chủ vương quốc này chỉ thay đổi từ dòng họ Vương vào tay dòng họ Lý, từ đó duy trì một vỏ bọc hoàn hảo về sự tiếp nối của truyền thống Cao Ly sau 5 thế kỷ. Tuy nhiên, Lý Thành Quế đã phải đối phó với quá nhiều cuộc nổi loạn của giới quý tộc Quyền môn (Kwŏnmun, 권문, 權門) - những kẻ dù thực lực đã suy yếu nhiều nhưng vẫn quyết tâm khôi phục lại địa vị vương tộc cho dòng họ Vương - cộng với việc triều đình mới do ông dựng nên đã tạo ra một không khí quá khác biệt so với triều đình Cao Ly cũ. Tất cả những điều này đủ để mọi người cảm thấy cần phải có một vương triều mới nhằm nhấn mạnh tất cả mọi sự thay đổi này. Vì vậy, năm 1393, Lý Thành Quế lập ra nhà Triều Tiên (với ý nghĩa hồi sinh lại nhà nước Cổ Triều Tiên 4000 năm trước) và đổi tên của quốc gia thành Đại Triều Tiên quốc (大朝鮮國). Ông cũng dời đô về Hán Thành, thủ đô hiện nay của Hàn Quốc.

Khi xin nhà Minh sắc phong vào năm 1393, Lý Thành Quế e nhà Minh phản đối việc Lý Thành Quế quyết tâm chọn quốc hiệu là Triều Tiên, nên đề xuất thêm một tên gọi khác là Hòa Ninh (lấy từ tên trang ấp của cha mình là Lý Tử Xuân). Minh Thái Tổ sau khi biết cái tên Triều Tiên có nguồn gốc từ chữ Triều Nhật Tiên Minh (nghĩa là "buổi sáng trong lành") liền quyết định chọn tên Triều Tiên, nhưng chỉ phong Lý Thành Quế là Quyền Tri Triều Tiên Quốc Sự. Mãi đến năm 1401, nhà Minh mới phong Triều Tiên Thái Tông là Triều Tiên Quốc Vương.

Xung đột

Ngay khi triều đình mới được tuyên bố thành lập và chính thức tồn tại, Thái Tổ đã gây tranh cãi trong vấn đề chọn người nối nghiệp. Mặc dù vương tử thứ năm, Tĩnh an Đại quân Lý Phương Viễn (Yi Pang-wŏn, 이방원, 李芳遠), con của Thái Tổ với vương hậu Thần Ý (Sinŭi, 신의왕후, 神懿王后), là người có công nhiều nhất trong việc giúp đỡ cha mình gia tăng quyền lực, Phương Viễn luôn nuôi mối thâm thù với hai đồng minh chủ chốt của cha mình trong triều, Tể tướng Trịnh Đạo Truyền (Chŏng Tojŏn, 정도전, 鄭道傳) và Nam Ân (Nam Ŭn, 남은, 男恩). Cả hai phía đều nhận thức được một cách đầy đủ về sự thù địch lẫn nhau đang hiện diện giữa hai bên và luôn luôn cảm thấy bị đe dọa. Khi sự việc rõ ràng cho thấy Lý Phương Viễn sẽ được thừa kế ngai vàng, Trịnh Đạo Truyền đã dùng ảnh hưởng của mình với nhà vua để thuyết phục nhà vua nên chọn đứa con mà Thái Tổ yêu quý nhất thay vì đứa mà Thái Tổ cho rằng tốt nhất cho vương triều.

Vào năm 1392, con trai thứ tám của Thái Tổ, tức con thứ hai của vương hậu Thần Đức (Sindŏk, 신덕왕후, 神德王后), Nghi an Đại quân Lý Phương Thạc (Yi Pang Sŏk, 이방석, 李芳碩) được phong Thế Tử kế thừa ngai vàng. Sau cái chết bất ngờ của vương hậu Thần Đức, và trong khi vua Thái Tổ còn đang đau buồn vì cái chết của người vợ thứ hai này, Trịnh Đạo Truyền âm mưu giết chết Lý Phương Viễn và các anh em trai để đảm bảo địa vị của mình trong triều. Vào năm 1398, biết được âm mưu này, Lý Phương Viễn lập tức nổi loạn và đột kích vào vương cung, giết chết Trịnh Đạo Truyền, thuộc hạ của ông ta và cả hai đứa con trai của vương hậu Thần Đức quá cố. Vụ việc này được xem là Cuộc xung đột đầu tiên của các vương tử.

Kinh hoàng trước cảnh các con mình chém giết lẫn nhau vì ngai vàng, cộng với việc suy sụp sau cái chết của vương hậu Thần Đức, Thái Tổ nhanh chóng lập người con thứ là Vĩnh an Đại quân Lý Phương Quả (Yi Pang Kwa, 이방과, 李芳果) - tức vua Định Tông) làm người kế vị và Thái Tổ thoái vị sau đó.

Khi mới lên ngôi, Định Tông dời đô về Khai Thành vì ông cho rằng đóng đô ở đây thuận tiện hơn. Trong khi đó, Lý Phương Viễn lại tiếp tục kế hoạch vận động để bản thân mình được trở thành thế đệ kế vị ngai vàng của anh trai. Tuy nhiên, kế hoạch của Phương Viễn bị Hoài an Đại quân Lý Phương Cán (Yi Panggan, 이방간, 李芳幹), con trai thứ tư của vua Thái Tổ chống đối, bản thân Phương Cán cũng mong muốn giành ngôi vị thế tử với em trai mình. Đến năm 1400, mâu thuẫn giữa hai anh em Lý Phương Viễn và Lý Phương Cán trở thành một cuộc xung đột vũ trang đẫm máu mang tên Cuộc xung đột thứ hai của các vương tử. Cuối cùng Phương Viễn chiến thắng còn Phương Cán bị đày đến Thố Sơn (T'osan, 토산, 兎山), những người thuộc phe cánh của Phương Cán đều bị xử tử. Ngay sau đó, vua Định Tông nhanh chóng lập Phương Viễn làm Vương thế đệ và cùng năm ông thoái vị nhường ngôi cho Phương Viễn. Thế đệ Phương Viễn kế ngôi, trở thành vua Thái Tông của nhà Triều Tiên.

Củng cố vương quyền

Trong thời kỳ đầu trị vì của vua Thái Tông, thượng vương Thái Tổ từ chối giao ngọc tỷ của vương gia Triều Tiên - bằng chứng của tính hợp pháp của quyền lực nhà vua - cho Định Tông lẫn Thái Tông. Thái Tông bèn bắt đầu thực thi những chính sách hòng chứng minh với mọi người rằng ông đủ tài năng và tư cách để trị vì Triều Tiên. Việc đầu tiên mà Thái Tông thực hiện là xóa bỏ những đặc quyền đặc lợi của những quan chức cao cấp trong triều đình cũng như xóa bỏ quân đội riêng của các quý tộc phong kiến. Việc này khiến các quý tộc Triều Tiên khó có cơ may làm loạn hơn đồng thời gia tăng đáng kể quân số của quân đội Triều Tiên. Tiếp theo Thái Tông lại sửa đổi những pháp chế hiện hành liên quan đến thuế má cùng với vấn đề sở hữu ruộng đất và sự ghi nhận địa vị xã hội của người dân. Cùng với sự khai phá thêm những vùng đất chưa được biết đến trước đó, thu nhập của quốc gia đã gia tăng gấp đôi.

Vào năm 1399, Thái Tông đã dùng quyền hạn của mình để loại bỏ Đô Bình Nghị sử ty (Top'yŏng Ŭisasa, 도평의사사, 都評議使司), một hội đồng điều hành chính quyền cũ nắm giữ toàn bộ quyền lực của triều đình trong những năm cuối của triều đại Cao Ly nhờ sự ủng hộ của Nghị Chính phủ (Ŭijŏngbu, 의정부, 議政), một nhánh mới của bộ máy điều hành trung ương bên cạnh nhà vua và các chỉ dụ của ông. Sau khi thông qua hệ thống văn kiện cai trị đất nước và luật thuế, Thái Tông ban hành một sắc lệnh mới trong đó tất cả các quyết định đã được Nghị Chính phủ thông qua chỉ có thể có hiệu lực sau khi đã được nhà vua chuẩn y. Điều này đã chấm dứt lệ các vị đại thần và quân sư trong triều quyết định bằng cách tranh luận và đàm phán với nhau còn nhà vua chỉ là người quan sát và do đó, thông qua thâm ý của nhà vua trong việc giành quyền điều hành thực sự đất nước Triều Tiên, đã nâng quyền lực của vương thất lên những tầm cao mới. Ngay sau đó, Thái Tông cho thiết lập một cơ quan chính quyền gọi là Phủ Thần môn (Sinmun, 신문, 神門) để thụ lý các trường hợp dân chúng cho rằng họ bị bóc lột hay bị quan lại hoặc quý tộc hành xử không công bằng.

Tháng 8 âm lịch năm 1418, Thái Tông nhường ngôi cho con là Thế Tông. Thế Tông cùng thượng vương Thái Tông nắm quyền đến khi thượng vương chết năm 1422. Tháng 5 năm 1419, hai vua tổ chức chiến dịch Kỷ Hợi đông chinh tấn công nhằm tiễu trừ lực lượng hải tặc Nhật Bản tại đảo Đối Mã (Tsushima, 対馬). Tháng 9 năm 1419, Sadamori (Biền Trinh Thịnh, 平貞盛), Đại danh (Daimyō, 大名) của Đối Mã xin nghị hòa. Đến năm 1443, Hòa ước Quý Hợi được ký kết, trong đó Đại danh của đảo Đối Mã được phép thông thương với Triều Tiên sáu mươi tàu thuyền mỗi năm, đổi lại ông ta phải tiến cống cho Triều Tiên và phải giúp đỡ quân Triều Tiên chống lại bọn hải tặc Nhật Bản đang cướp phá vùng bờ biển Triều Tiên khi đó.[8][9][10][11]

Ở biên giới phía bắc, Thế Tông cho thiết lập bốn công sự và sáu khu đồn trú quân (tứ quận, lục trấn, 사군육진, 四郡六鎭) để đề phòng sự xâm nhập từ Trung Quốc và dân du cư Mãn Châu. Năm 1433, Thế Tông cử tướng Kim Tông Thụy (Kim Chongsŏ, 김종서, 金宗瑞) lên miền bắc để tiêu diệt người Mãn Châu. Chiến dịch quân sự của tướng quân Kim Tông Thụy đã chiếm được nhiều thành trì, đẩy biên giới xa lên phía bắc và xác lập lại lãnh thổ Triều Tiên, xấp xỉ biên giới giữa Bắc Triều TiênTrung Quốc ngày nay.[12]

Dưới thời cai trị của Thế Tông, Triều Tiên có nhiều tiến bộ kỹ thuật về khoa học tự nhiên, nông nghiệp, văn học, y học cổ truyền... Vì những thành tựu này, Thế Tông được dân Hàn Quốc gọi là Đại Vương, dù hai chữ này trên thực tế có trong thụy hiệu của hầu hết vua Triều Tiên trước năm 1897. Công trạng đáng ghi nhớ nhất của Thế Tông là sự xây dựng hệ thống mẫu tự cho tiếng Triều Tiên (gọi là Chosŏn'gŭlBắc Triều TiênHangulHàn Quốc) vào năm 1443. Việc sử dụng kiểu mẫu tự HanjaHanmun trong văn tự hằng ngày cuối cùng cũng dần chấm dứt vào nữa cuối của thế kỷ 20.

Sau khi Thế Tông chết, thế tử Lý Hướng lên ngôi tức vua Văn Tông. Văn Tông giữ ngôi được 2 năm thì bệnh chết (1450), con là Đoan Tông mới 12 tuổi lên thay. Năm 1455, con thứ của Thế Tông là Lý Nhu làm chính biến, phế truất Đoan Tông rồi tự lập làm quốc chủ, tức Thế Tổ, vua thứ 7 nhà Triều Tiên. Năm 1457, 6 đại thần trung thành với Đoan Tông bàn nhau giết Thế Tổ hòng phục ngôi cho Đoan Tông. Thế Tổ biết được, bèn hành quyết 6 đại thần và bức tử Đoan Tông.

Dưới thời vua Thế Tổ, triều đình tiến hành thống kê dân số để dễ huy động quân lính khi cần thiết. Thế Tổ chú trọng phát triển kinh tế, văn hóa, khuyến khích xuất bản nhiều thể loại sách. Thế Tổ còn khởi xướng biên soạn bộ luật Kinh quốc đại điển (Kyŏngguk taejŏn, 경국대전, 經國大典). Đây là nền tảng cho nền cai trị của nhà Triều Tiên và là phiên bản sớm nhất của một bộ luật hiến pháp ở dạng văn tự tại Triều Tiên.

Dù được xem là vua giỏi, Thế Tổ đã tự ý xóa bỏ nhiều cơ quan mà hai đời Thế Tông, Văn Tông đã dày công xây dựng, điển hình như Tập Hiền điện (Chiphyŏnjŏn; 집현전; 集賢殿). Thế Tổ thay đổi chính sự nhằm củng cố quyền lực, bất chấp những hệ lụy có thể nảy sinh, do đó dẫn đến rất nhiều rắc rối về lâu dài. Ngoài ra, Thế Tổ quá chiều chuộng những công thần đưa mình lên ngôi, dẫn tới tệ tham nhũng trong thượng tầng của triều đình.

Năm 1468, Thế Tổ chết, thế tử Hoảng lên thay tức Duệ Tông. Năm 1469, Duệ Tông chết, cháu là Thành Tông lên làm vua. Dưới thời Thành Tông, kinh tế phát triển, nhà nước giàu mạnh, nhóm sĩ phu tân Nho giáo mà sử gọi là Sĩ Lâm (Sarim, 사림, 士林) được dự việc chính sự. Thành Tông lập ra Hoằng Văn quán (Hongmungwan 홍문관, 弘文館) làm nơi lưu trữ sách vở Nho gia, cho các Nho thần nắm giữ. Nhóm Nho thần thường thảo luận với nhà vua về triết học và chính sự. Nhà vua còn khuyến khích xuất bản nhiều sách về địa dư, đạo đức,... và một số chủ đề khác. Đây được coi là một thời phồn thịnh của văn hóa Triều Tiên, gần bằng thời Thế Tông.

Tiếp nối chính sách của các vua trước, năm 1491, Thành Tông sai tướng Hứa Tông (Hŏ Chong, 허종, 許琮) đem quân đánh Mãn Châu. Quân Triều Tiên thắng, đẩy người Mãn do thị tộc Ngột Địch Ha (Udige, 兀狄哈) về hướng bắc sông Áp Lục. Năm 1494, Thành Tông chết, con là Yên Sơn Quân nối ngôi.

Cuộc xâm lược của Nhật Bản

Tàu chiến rùa, phát minh của danh tướng Lý Thuấn Thần. Sự tồn tại lịch sử của nóc tàu được bọc sắt vẫn còn đang tranh cãi.[13][14][15]Đô đốc thủy quân Lý Thuấn Thần

Xuyên suốt lịch sử của mình, Triều Tiên thường xuyên bị cướp biển tấn công cả trên biển và trên bộ. Lý do duy nhất để người Triều Tiên duy trì lực lượng hải quân là nhằm đảm bảo an toàn cho thông thương hàng hải chống lại quân cướp biển Oa Khấu (倭寇, wakō - tức cướp biển Nhật Bản?). Hải quân Triều Tiên luôn vượt trội [cần dẫn nguồn] hơn so với quân cướp biển do sử dụng các dạng kỹ thuật tiên tiến dùng thuốc súng (ví dụ súng thần công, cung tên lửa kiểu thần cơ tiễn (Sin'gijŏn, 신기전, 神機箭) được triển khai trên hỏa xa (Hwach'a, 화차, 火車)...

Trong Chiến tranh Nhật Bản-Triều Tiên (1592-1598), Tướng quân Nhật Bản Toyotomi Hideyoshi (Phong Thần Tú Cát), dự định sẽ chinh phục Trung Hoa (triều Minh) với những khẩu súng mua được của người Bồ Đào Nha; vì vậy ông tổ chức hai cuộc tấn công xâm lược Triều Tiên vào năm 1592 và 1597, nhằm biến Triều Tiên thành bàn đạp để tấn công vào Trung Quốc. Việc chia bè kết phái, đánh giá sai sức mạnh quân sự Nhật Bản cũng như nỗ lực không thành về mặt ngoại giao đã dẫn đến sự thiếu chuẩn bị về phía Triều Tiên. Những khẩu súng tân tiến của châu Âu đã giúp Nhật Bản đánh chiếm nam phần bán đảo Triều Tiên - bao gồm cả kinh đô Hán Thành chỉ trong vòng vài tháng. Theo Biên niên sử nhà Triều Tiên, có nhiều phần tử phiến loạn là nô lệ người Triều Tiên tham gia vào quân Nhật, những người này đã đốt cung Cảnh Phúc (Kyŏngbokkung, 경복궁, 景福宮) và kho chứa tài liệu về nô lệ của nó.[16]

Tuy nhiên sức kháng cự mạnh mẽ của nhân dân Triều Tiên đã làm chậm bước tiến của quân Nhật; và những chiến thắng quyết định của Đô đốc thủy quân Lý Thuấn Thần (Yi Sunsin, 이순신, 李舜臣) đã khiến Triều Tiên nắm quyền kiểm soát biển cả và cắt đứt đường tiếp tế của quân Nhật Bản. Thêm vào đó, nhà Minh đã gửi quân chi viện cho Triều Tiên từ năm 1593 và liên quân Trung-Triều cuối cùng đã đánh tan quân đội Nhật Bản - dù họ cũng phải chịu những tổn thất nặng nề. Chiến thắng Lộ Lương năm 1498, với 450/500 chiến thuyền Nhật Bản bị đánh chìm và 15000 thủy binh Nhật tử trận đã quyết định kết cục cuộc chiến. Và cũng sau cuộc chiến này, quan hệ Triều Tiên - Nhật Bản hoàn toàn bị đóng băng trong một thời gian.

Trong thời gian chiến tranh, người Triều Tiên đã phát triển nhiều loại vũ khí cầm tay mạnh mẽ và thuốc súng có chất lượng cao cùng với chiếc Thuyền chiến rùa (Quy bối thuyền - Kŏbuksŏn, 거북선, 龜背船) lừng danh.

Cuộc xâm lược của nhà Thanh

Sau chiến tranh, nhà Triều Tiên ngày càng trở nên cô lập. Giới cầm quyền đất nước đeo đuổi chính sách hạn chế tiếp xúc với nước ngoài. Thêm vào đó, nhà Minh đã bị suy yếu, một phần là vì cuộc chiến giữa Triều Tiên và Nhật Bản, điều này đã dẫn đến sự hình thành một triều đại mới, đó là nhà Thanh của người Mãn Châu. Người Triều Tiên quyết định giữ chặt biên giới hơn, tăng cường kiểm soát giao thông xuyên biên giới và chờ đợi sự bắt đầu khuấy nhiễu của người Mãn Châu nhằm lật đổ Nhà Minh.

Vương quốc Triều Tiên phải gánh chịu hai cuộc xâm lăng của người Mãn Châu, vào năm 1627 (xem Cuộc xâm lược Triều Tiên lần thứ nhất của người Mãn Châu) và 1637 (xem Cuộc xâm lược Triều Tiên lần thứ hai của người Mãn Châu). Sau 2 cuộc chiến, Triều Tiên đã đầu hàng người Mãn Châu và đồng ý cống nạp cho các hoàng đế nhà Thanh để được sự bảo hộ của nhà Thanh, trong đó bao gồm cả mậu dịch song phương với Trung Quốc tại thời điểm này. Chính sách đối ngoại của vua quan nhà Thanh là ngăn ngừa sự hình thành các vùng đất do người nước ngoài kiểm soát trên đất đai của người Trung Quốc. Chính sách như trên đã hạn chế sự hiện diện của các thương điếm truyền thống của các hãng (tiếng Hoa: 行) nước ngoài đến Macau. Các thương điếm này nắm giữ đáng kể việc mua bán tơ lụa của Trung Quốc để đổi lấy bạc của nước ngoài. Với cách sắp xếp này, việc giao thương với người nước ngoài đã được chuyển xuống các tỉnh miền nam Trung Quốc, đặt vùng lãnh thổ chưa yên ổn ở phía bắc dưới các quy chế cẩn mật và hạn chế sự ảnh hưởng của người nước ngoài. Quyết định này đã ảnh hưởng đến Triều Tiên khi Trung Quốc là bạn hàng chính của Triều Tiên.[cần dẫn nguồn]

Giai đoạn cuối của nhà Triều Tiên

Pháo đài Hoa Thành - Hwasŏng, 화성, 華城 tại Thủy Nguyên - Suwŏn, 수원, 水原.

Sau những cuộc xâm lăng của nhà Thanh, Triều Tiên trải qua một thời gian gần 200 năm trong hoà bình. Các vua Anh TổChính Tổ lãnh đạo công cuộc phục hưng mới của nhà Triều Tiên. Vua Túc Tông và con trai của ông ta, Anh Tổ cố gắng giải quyết các vấn đề bắt nguồn từ tệ bè phái chính trị. Chính sách Đãng bình - dẹp yên (T'angp'yŏngch'aek, 탕평책, 蕩平策) đã ngăn chặn một cách có hiệu quả nhiều cuộc tranh chấp của các phe phái. Cháu nội của vua Anh Tổ, Chính Tổ đã thực hiện nhiều cải cách trong suốt thời gian trị vì của ông, đặc biệt là việc thành lập thư viện vương thất mang tên Khuê chương các (Kyujanggak, 규장각, 奎章閣). Tuy là một thư viện vương thất nhưng mục đích của nó là để cải thiện vị thế văn hóa và chính trị của Triều Tiên, đồng thời chiêu mộ được những quan lại có tài để điều hành đất nước. Vua Chính Tổ cũng chú trọng vào những sáng kiến táo bạo về mặt xã hội, mở nhiều chức vụ trong triều cho những người trước đây bị cấm vì địa vị xã hội của họ. Vua Chính Tổ ủng hộ nhiều nhà Nho Thực học (Sirhak, 실학, 實學), và đổi lại các nhà Nho Thực học ủng hộ vương quyền của nhà vua. Triều đại vua Chính Tổ còn chứng kiến sự trưởng thành và phát triển của nền văn hóa bình dân Triều Tiên.

Năm 1863, vua Cao Tông lên ngôi. Cha của vua là Nhiếp Chính Hưng tuyên Đại viện quân (Hŭngsŏn Taewŏn'gun, 흥선대원군, 興宣大院君) cầm quyền thay ông cho đến khi Cao Tông đến tuổi trưởng thành. Vào giữa thập kỷ 1860, ông là người đề xướng chủ trương bế môn tỏa cảng và đàn áp đạo Thiên Chúa trong và ngoài nước, một chính sách đã dẫn đến chiến dịch quân sự của người Pháp chống lại Triều Tiên vào năm 1866. Những năm đầu dưới sự cai trị của ông cũng chứng kiến nỗ lực to lớn nhằm xây dựng lại đại quy mô cung Cảnh Phúc đổ nát, ngôi vị của vương quyền vương thất. Trong thời kỳ cầm quyền của Hưng tuyên Đại viện quân, nạn bè phái chính trị và quyền lực do phái Yên Đông Kim (安東) nắm giữ đã hoàn toàn phai nhạt.

Năm 1873, vua Cao Tông tuyên cáo quyền điều hành trực tiếp quốc gia của mình. Sau khi Hưng tuyên Đại viện quân lui về ẩn dật, Hoàng hậu tương lai Min (sau này được gọi là Minh Thành Hoàng Hậu - Myŏngsŏng Hwanghu, 명성 황후, 明成 皇后) đã giành hoàn toàn quyền kiểm soát triều chính, đặt người thân của mình vào những địa vị thế lực trong triều.

Suy yếu

Trong thế kỷ 19, căng thẳng giữa hai đế quốc Mãn ThanhNhật Bản ngày càng gia tăng mà đỉnh điểm là cuộc Chiến tranh Giáp Ngọ (1894–1895). Nhiều cuộc giao tranh đã diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Sau cuộc canh tân đất nước do nhóm tôn phò Minh Trị thực hiện, Nhật Bản tiếp thu được nhiều kỹ thuật quân sự Tây phương, đã ép buộc Triều Tiên ký Hiệp ước Giang Hoa (Giang Hoa đảo điều ước - Kanghwado Choyak, 강화도조약, 江華島條約) vào năm 1876.

Nhiều người dân Triều Tiên căm ghét người Nhật và những ảnh hưởng của ngoại bang lên đất nước họ cũng như sự cai trị áp bức và thối nát của nhà Triều Tiên.[cần dẫn nguồn] Vào ngày 11/01/1894, thủ lĩnh nông dân Toàn Bồng Chuẩn (Chŏn Pongjun, 전봉준, 全琫準) đã đánh bại quân triều đình tại trận chiến Go-bu (Tỉnh Ấp - Chŏngŭp, 정읍, 井邑). Sau trận chiến, Toàn Bồng Chuẩn đã phân phát toàn bộ của cải của mình cho những người nông dân. Trong lúc đó, quân triều đình nhà Triều Tiên tiến đánh Toàn Bồng Chuẩn và hai bên đã đi đến một thỏa thuận đình chiến. Tuy nhiên, nhà Triều Tiên đã cầu viện nhà Thanh để dập tắt cuộc khởi nghĩa. Sau khi thông báo với Nhật Bản theo đúng Hòa Ước Thiên Tân (天津条約), nhà Thanh đưa quân vào Triều Tiên. Đây là mồi lửa châm ngòi cuộc Chiến tranh Giáp Ngọ.

Vương hậu Minh Thành [17] đã cố gắng chống lại sự can thiệp của người Nhật vào Triều Tiên và có khuynh hướng dựa vào sự trợ giúp của NgaTrung Quốc. Vào năm 1895, Vương hậu bị ám sát trực tiếp bởi các sát thủ người Nhật.[18][19]. Công sứ Nhật Bản tại Triều Tiên Miura Gorō (Tam Phổ Ngô Lâu, tiếng Nhật: 三浦梧楼) đã dàn dựng âm mưu chống lại bà. Một nhóm sát thủ Nhật Bản cùng với lực lượng Huấn luyện Đội (Hullyŏndae, 훈련대, 訓鍊隊)[18] đã đột nhập vào Vương cung tại Hán Thành - đang dưới quyền kiểm soát của người Nhật[18] - ám sát Vương hậu Minh Thành; và thi thể của bà đã bị nhóm thích khách thiêu cháy và chôn ở chái Bắc của Vương cung.

Nhật Bản đô hộ

Thất bại của triều đình Mãn Thanh trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ đã buộc họ phải ký Điều ước Shimonoseki với Nhật Bản, qua đó chính thức thừa nhận Triều Tiên độc lập, thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây là một bước tiến trong kế hoạch giành lấy quyền thống trị Triều Tiên của đế quốc Nhật Bản. Triều đình Triều Tiên đã cảm thấy sức ép từ các thế lực lớn đang lăm le muốn nuốt trôi họ và vì vậy họ nhận thấy nhu cầu củng cố sự toàn vẹn và hợp pháp của toàn dân tộc Triều Tiên. Năm 1897 Triều Tiên chính thức đổi tên thành Đại Hàn Đế quốc và Quốc vương Cao Tông trở thành hoàng đế Quang Vũ của đế quốc Đại Hàn, một hành động nhấn mạnh nền độc lập của quốc gia này. Về nguyên tắc, 1897 là năm đánh dấu sự kết thúc của "thời kỳ Triều Tiên" trong lịch sử của Triều Tiên vì tên của quốc gia này đã thay đổi, tuy nhiên sự cai trị của nhà Triều Tiên vẫn tiếp tục cho đến năm 1910 khi Nhật Bản chính thức biến Triều Tiên thành lãnh thổ của mình.

Trong thời gian này, nhiều thế lực quốc gia khác cũng đang ra sức cải tiến quân đội - nhất là Đế quốc Nga - với mục tiêu hất cẳng thế lực của Nhật Bản. Trong một chuỗi phức tạp những thủ đoạn quân sự và phản quân sự, Nhật Bản đánh lui hạm đội Nga tại cảng Lữ Thuận vào năm 1905. Sau chiến thắng tại cuộc chiến năm 1904–1905 với Nga cùng với kết quả là Hòa ước Portsmouth, người Nhật đã rảnh tay trong việc tiến tới thống trị bán đảo Triều Tiên. Năm 1905, đế quốc Đại Hàn buộc phải ký Hòa ước Ất Tỵ trong đó quy định Triều Tiên sẽ là một xứ bảo hộ của Nhật Bản. Nguyên Thủ tướng Nhật Itō Hirobumi (Y Đằng Bác Văn) trở thành Toàn Quyền Triều Tiên đầu tiên, mặc dù ít lâu sau ông bị An Trọng Căn (An Chunggŭn, 안중근, 安重根) một thành viên của phong trào Kháng Nhật vận động ám sát tại nhà ga của thành phố Cáp Nhĩ Tân vào năm 1910. Cùng năm đó, bất chấp làn sóng phản kháng của nhân dân Triều Tiên, đế quốc Nhật chính thức sáp nhập Triều Tiên vào lãnh thổ của mình. Nhà Triều Tiên chấm dứt từ đó, còn lãnh thổ Triều Tiên trở thành thuộc địa của Đế quốc Nhật.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhà_Triều_Tiên http://www.bennettsfineart.com/lee%20dynasty.htm http://english.chosun.com/w21data/html/news/200501... http://english.chosun.com/w21data/html/news/200601... http://www.donga.com/docs/magazine/shin/2004/11/09... http://books.google.com/books?id=lCd4reJRaG8C&pg=P... http://books.google.com/books?id=vj8ShHzUxrYC&pg=P... http://web.me.com/sungjin/introduction.html http://100.nate.com/dicsearch/pentry.html?s=B&i=11... http://100.nate.com/dicsearch/pentry.html?s=K&i=23... http://newslibrary.naver.com/viewer/index.nhn?arti...